Đối nội Trịnh Tráng

Ngày 24 tháng 1 năm 1629, Trịnh Tráng được lên tước vương một chữ, là Đại nguyên soái thống quốc chính thượng chúa Thanh vương. Mùa hạ tháng 5 ÂL năm 1630, chúa ép nhà vua lấy con gái mình là Trịnh Thị Ngọc Tú, vốn đã lấy bác họ của vua là Lê Duy Trụ và sinh được bốn con; vì Duy Trụ phạm tội bị bắt giam nên Trịnh Tráng mang con gái cho vua Lê. Thần Tông đành phải nhận lời.

Ngày 17 tháng 7 cùng năm, mưa to liền 4, 5 ngày, nước sông Hồng đầy tràn. Trịnh Tráng đích thân đi xem đắp đê, sai thu của quan tổng cán đê sông các xứ nhập vào quỹ công.

Mùa xuân năm 1638, Mạc Kính Khoan ở Cao Bằng qua đời, con là Mạc Kính Vũ không thần phục, lại xưng niên hiệu. Trịnh Tráng đích thân thống lãnh binh sĩ đi đánh; tiên phong là quận Hạ bị bắt. Khi đó có tên quận Lâm vì sợ địch nên chúa lệnh chém rồi ra hiệu lệnh nghiêm ngặt, đốc suất các quân sĩ bốn mặt bao vây. Tuy nhiên do thời tiết nóng bức nên Trịnh Tráng quyết định dẫn quân về[3].

Cuối thu năm 1643, nhân một buổi vào chầu nhà vua, chúa gặp bà Tiệp dư họ Đặng tuổi vừa đôi mươi mà xinh đẹp như tiên giáng trần mới cầm tay và nói rằng:

Thiên hương quốc sắc như thế mà phải giam thân trong này ư.

Bà tiệp dư đáp rằng:

"Vương gia chớ có lỗi đạo thần tử như thế.

Bổn vương hỏi đùa đó thôi, sao ngươi lại kiêu hãnh thế. Hoàng thượng của ngươi cũng ở trong tay bổn vương, chớ có lắm trò.Quyền nằm trong tay Vương thượng, Vương thượng muốn làm gì chẳng được. Thiếp đây chỉ là tiện nữ, biết tận trung mà thôi, không biết có quyền thế nào ngoài Hoàng thượng cả[5].

Việc này sau đồn ầm lên, chúa biết mình đã quá trớn, nên vào ngày 23 tháng 11 năm 1643, ép hoàng thượng nhường ngôi cho thái tử là Lê Duy Hựu, là Lê Chân Tông, tôn nhà vua làm Thái thượng hoàng ở cung riêng[3][4]. Ngày 5 tháng 12 cùng năm, vua mới sai Nguyễn Danh Thế mang phù tiết bằng ngọc, và sách ấn vàng để gia tôn Trịnh Tráng làm Đại nguyên soái thống quốc chính thái thượng sư phụ Thanh vương[1]. Đầu năm 1645, chúa sai vương tử Trịnh Tạc đem quân đánh Mạc Kính Vũ ở Cao Bằng và thắng trận. Vì vương tử trưởng Trịnh Kiều mất vào mùa thu năm 1642, cháu đích là Tông quận công Trịnh Hoành còn nhỏ; nên Tây quận công Trịnh Tạc là người kế vị. Tháng 4 ÂL, Trịnh Tráng nhân danh vua Lê phong Trịnh Tạc làm Thái úy tả tướng tiết chế các doanh quân thủy, quân bộ các xứ, giữ quyền bính trong nước, tước Tây quận công, mở phủ Khiêm Định. Công việc nhà nước hết thảy đều ủy thác cho Tạc quyết đoán. Khi đó quan Ngự sử là Đặng Phi Hiển dâng sớ can rằng:

Vương thượng đã một mình coi hết cả việc nước, đạo thần tử đã có chỗ khó rồi. Nay lại phong cho Vương trưởng tử làm Thái úy Tây quốc công, cho coi hết quốc gia trọng sự. Các vương tử mỗi người giữ lấy một trấn to, như thế là Vương thượng giữ nước làm của riêng đó. Vả lại Thái úy lên cao quá tôi e các vương tử khác có ý làm loạn.

Chúa giận, cách hết chức tước của ông ta. Quả nhiên, thấy Trịnh Tạc được lập, hai vương tử quận Hoa Trịnh Sầm và quận Phù Trịnh Lịch vô cùng thất vọng. Ngày 16 tháng 6, hai người nhân lúc chúa bị cảm mà cất quân nổi loạn. Chúa sai Trịnh Tạc đem quân đi đánh, bắt được hai người giải về kinh sư giết chết[6].

Mùa thu tháng 8 ÂL năm 1649, Lê Chân Tông qua đời, không có con nối. Trịnh Tráng sai Trịnh Tạc lại rước Thái thượng hoàng Thần Tông lên ngôi[4][6]. Bấy giờ ở Trung Quốc, nhà Minh đã tới hồi mạt vận, bị nhà Thanh đánh đuổi chạy dài. Vào mùa đông năm 1651, Quế vương nhà Minh chạy đến Nam Ninh, sai sứ dụ bảo Trịnh Tráng cấp cho binh lương giúp mình chống Thanh, đồng thời phong chúa làm An Nam phó Quốc vương[4][6]. Tháng 8 ÂL năm 1652, Trịnh Tráng giật dây cho bầy tôi liên danh cầu xin nhà vua, rồi phong cho Trịnh Tạc làm Nguyên soái chưởng quốc chính Tây Định vương.